CHÍ PHÈO (Nam Cao)
CHÍ PHÈO
Nam Cao
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
Nam Cao (1917 - 1951) là một trong những cây bút viết truyện ngắn rất thành công của dòng văn học hiện thực phê phán thời kì trước Cách mạng.
Chí Phèo là tác phẩm thành công của Nam Cao viết về đề tài người nông dân. Nhân vật Chí Phèo thể hiện tấn bi kịch tinh thần lớn nhất của con người, đó là bi kịch bị tha hoá. Những thế lực tàn bạo đã tước đoạt của người nông dân chất phác hiền lành những khát vong và ước mơ về một cuộc sống lương thiện, biến họ thành kẻ lưu manh. Và khi lương tâm thức tỉnh, họ đã phải tự kết thúc đời mình khi nhận ra rằng mình không còn con đường trở về với cuộc sống lương thiện. Giá tri hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm đều được tập trung ở nhân vật Chí Phèo. Tác phẩm phản ánh hai mâu thuẫn gay gắt và tiêu biểu nhất trong xã hội nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám là: Mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị với nhau và mâu thuẫn giữa bọn cường hào ác bá và người nông dân. Nhân vật đều đạt đến trình độ điển hình.
II. RÈN KĨ NĂNG
1. Tóm tắt đoạn trích
Chí Phèo vốn không cha không mẹ, được dân làng truyền tay nhau nuôi lớn. Rồi đến làm canh điền cho nhà Bá Kiến. Bá Kiến ghen tuông nên đã đẩy anh vào tù. Bảy tám năm sau, Chí ra tù và trở về làng với bộ dạng của một tên lưu manh. Hắn chuyên uống rượu, rạch mặt ăn vạ. Cả làng lánh xa hắn, Chí bị Bá Kiến lợi dụng thành công cụ cho hắn.
Chí gặp Thị Nở, hai người ăn nằm với nhau. Chí tỉnh rượu rồi ốm, được Thị Nở chăm sóc. Bát cháo hành và những cử chỉ chân thật của Thị Nở đã làm sống dậy khát vọng sống cuộc đời lương thiện của Chí. Nhưng bà cô Thị Nở ngăn cấm. Chí tuyệt vọng khi bị Thị Nở từ chối. Anh xách dao đến nhà Bá Kiến đòi lương thiện. Anh đâm chết Bá Kiến và tự vẫn.
2. ý nghĩa tiếng chửi của Chí phèo ở đoạn mở đầu tác phẩm.
Tác phẩm được mở đầu bằng tiếng chửi với nội dung có vẻ bất thường nhưng rất tỉnh táo đã tạo nên sức hấp dẫn cho câu chuyện. Đây cũng là một thủ pháp nghệ thuật trong cách viết của Nam Cao. Nhà văn để nhân vật xuất hiện trong tâm trạng điển hình nhất. Vừa gây sự tò mò cho người đọc, vừa làm nổi bật tư tưởng của tác phẩm.
Nội dung của lời chửi có lớp lang, chứng tỏ người chửi vẫn đang rất có ý thức về việc làm của mình. Chửi từ đối tượng lớn nhất, chúng nhất và trừu tượng nhất (trời, đời, cả làng Vũ Đại) đến cụ thể nhất xác định rõ nhất (đứa nào không chửi nhau với hắn, đứa chết mẹ nào đẻ ra hắn). Tiếng chửi thể hiện sự bức bối, tâm trạng đầy bi kịch của Chí. Chí cất tiếng chửi để người ta đáp lại mình nhưng không ai đáp lại cả, bởi họ không chấp hoặc không muốn dây với một thằng say rượu, một kẻ lưu manh, một thằng cố cùng liều thân như anh. Tiếng chửi là khao khát được giao tiếp với con người dù là hình thức giao tiếp hạ đẳng nhất. Nhưng cũng không được đáp lại. Không có ai đáp lời nên Chí càng uất ức. Lời chửi vùa thể huện được đỉnh cao tấn bi kịch cô đơn, bị từ chối quyền làm người của Chí vừa dẫn dắt câu chuyện đến tình huống giới thiệu về hoàn cảnh xuất thân và số phận bất hạnh của Chí.
3. Các nhân vật Bá Kiến, Thị Nở đều có ý nghĩa đặc biệt đối với số pahạn và tính cách của Chí Phèo.
Mối quan hệ Chí Phèo - Bá Kiến thể hiện quá trình bị tha hóa của Chí Phèo. Từ anh canh điền khỏe mạnh, hiền lành Chí bị Bá Kiến đẩy vào tù và khi trở về thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.
Mối quan hệ Chí Phèo – Thị Nở thể hiện quá trình hoàn lương của Chí. Sự chăm sóc của Thị Nở đánh thức bản chất lương thiện vốn có trong Chí. Nó cũng chứng minh rằng những bản chất tốt đẹp của người lao động trong con người Chí không thể bị hủy diệt mà nó chỉ bị khuất lấp đi đằng sau cái vẻ bất cần đời của một con người bị xã hội dồn vào bước đường cùng mà thôi. Sau khi bị Thị Nở tù chối, Chí thà chết chứ không chịu quay lại cuộc sống của một kẻ lưu manh.
4. Tâm trạng của Chí Phèo sau cuộc gặp với Thị Nở
Sau cuộc gặp gỡ, Chí bị ốm rồi được Thị Nở chăm sóc. Lần đầu tiên, từ nhữung ngày ở tù về, Chí thấy mình hoàn toàn tỉnh táo và lần đầu tiên sau những cớn say triền miên, kể từ ngày ở tù về hắn nghe được những âm thanh quen thuộc của cuộc sống đời thường. Và khao khát được sống lương thiện đã trỗi dậy trong anh. Chí bắt đầu nghĩ về đời mình về những ngày đã qua và những ngày sắp tới. Anh cảm nhận rõ sự cô độc và bất hạnh của đời mình. Chi mong ngóng Thị Nở, khao khát được cùng Thị xây dựng một gia đình. Bát cháo hành đã đánh thức phần ngườitốt đẹp còn sót lại trong Chí. Chí ngạc nhiên rồi cảm động (thấy mắt hình như ươn ướt), rồi bâng khuâng, vui buồn lẫn lộn. Và nhất là anh thấy ăn năn. Chí hóa hức, sốt ruột, cuống cuồng khi thấy Thị Nở về nhà qua lâu. Tâm trạng chờ đợi ấy thể hiện khao khát mãnh liệt được trở về cuộc sống lương thiện của người bình thường. Nhưng tất cả đã sụp đổ với sự trở lại và lời từ chối của Thị Nở.
Nhà văn đã nhập thân vào nhân vật, sử dụng nhiều kiểu giọng diệu trần thuật khác nhau để miêu tả diễn biến nội tâm phức tạp của Chí. Nhưng giây phút hạnh phúc và đầy hy vọng của Chí rất ngắn ngủi. Vì thành kiến mà bà cô Thị Nở không cho Thị Nở giao du và lấy Chí.
Nhà văn đã miêu tả một lần uống rượu đặc biệt nhất trong cuộc đời Chí, Chí lại lôi rượu ra uống nhưng càng uống hắn lại càng tỉnh “hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành”. Đó là hương vị của tình yêu, của niềm hạnh phúc, niềm hạnh phúc ấy lần đầu tiên Chí được hưởng cho nên nó khó phai mờ trong tâm trí của anh. Sự tỉnh táo khiến cho Chí thấy tiếc hạnh phúc mà mình đã có và nhận ra sự thực cay đắng, chua chát trong lời bà cô Thị Nở. Phản ứng của bà cô Thị Nở là đại diện cho những định kiến xã hội đối với những con người đã vô tình hay cố ý gây là lỗi lầm. Chí đã bị lưu manh hoá và xã hội lương thiện đã không thể chấp nhận anh. Cái chết của Chí một lần nữa chỉ ra con đường cùng và kết cục bi thảm của nhận vật.
Khi xách dao đến giết Bá Kiến và tự sát chứng tỏ anh hoàn toàn tỉnh táo. Đây là lời tố cáo quyết liệt của nhà văn đối với xã hội có những kẻ cầm quyền như Bá Kiến. Bọn người thâm hiểm, tham lam và tàn độc ấy đã cướp đi của con người bản chất lương thiện. Cướp đi của người khác bất cứ thứ gì cũng là tội ác, nhưng cướp đi của con người hạnh phúc, ước mơ, bản chất lương thiện là tội ác dã man nhất, nó dã man hơn cả tội giết người.
5. Đặc sắc trong ngôn ngữ kể chuyện của tác giả và ngôn ngữ nhân vật
Giọng điệu trần thuật có sự kết hợp hài hòa giữa đối thoại với độc thoại, giữa lời gián tiếp và lời nửa tiếp. Vì vậy, nhiều đoạn có sự lồng ghép giữa ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật. Ví dụ: đoạn kể về tiếng chửi của Chí, đoạn tả tâm trạng Chí sau cuộc gặp với Thị Nở và khi bị từ chối... Đối thoại Chí với Bá Kiến, Chí với Thị Nở... Giọng điệu trần thuật này là những đóng góp quan trọng của Nam Cao trong quá trình hiện đại hóa của thể loại truyện ngắn hiện đại Việt Nam.
6. So sánh hai truyện ngắn Lão Hạc và Chí Phèo để thấy nội dung hiện thực và nhân đạo trong tác phẩm của Nam Cao
Cả hai tác phẩm đều khai thác đề tài số phận người nông dân nghèo ở nông thôn Việt Nam dưới chế độ thực dân phong kiến. Qua số phận cùng cực của họ, nhà văn đã phản ánh một cách chân thực và sâu sắc xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng. Giá trị nhân đạo được thể hiện ở sự đồng cảm sâu sắc của nhà văn đối với bi kịch của người nghèo và phát hiện ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp vững bề của người lương thiện trong mỗi nhân vật.
Song ở mỗi tác phẩm nhà văn lại có những sáng tạo riêng trong việc thể hiện tư tưởng nhân đạo. Với nhân vật lão Hạc, nhà văn để nhân vật của mình vào một cuộc lựa chọn giữa cái chết và sống. Lão Hạc đã chọn cái chết để giữ được cho con trai mảnh vườn. Lão Hạc là một người nông dân có bản chất lương thiện và tấm lòng nhân hậu.
Chí Phèo khốn cùng hơn lão Hạc nhiều. Anh bất hạnh từ khi sinh ra cho đến lúc tự chấm dứt cuộc đời mình. Anh bị tha hóa, lưu manh hóa rồi bị từ chối quyền làm người. Cuộc đời của Chí là chuỗi bi kịch nhưng dù bị vui dập tàn nhẫn đến đau, bản chất lương thiện trong anh vẫn không hề bị huỷ diệt. Cuộc gặp gỡ, bát cháo hành của Thị Nở và những thanh âm trong trẻo của cuộc sống đời thường đã đánh thức bản chất lương thiện trong Chí. Qua tấn bi kịch của Chí, nhà văn đã thể hiện niềm tin và tình yêu thương của mình đối với những người nông dân nghèo.
III. TƯ LIỆU THAM KHẢO
" … Nam Cao đã diễn tả với một sức mạnh lạ thường quá trình lưu manh hóa của một số quần chúng cơ bản trong hoàn cảnh bị đè nén, áp bức, bóc lột của xã hội cũ. Nhân vật Nam Cao thường trải qua chuyển biến. Trong truyện Tư cách mõ Nam Cao viết: “Người ta tưởng ông trời sinh hắn ra như thế để mà làm mõ… Không!... Mới chỉ cách đây ba năm hắn vẫn còn được gọi là anh cu Lộ. Anh cu Lộ hiền như đất. Cờ bạc không, rượu chè không. Anh chỉ chăm chăm chú chú làm để nuôi vợ nuôi con”. Chí Phèo hiện ra chỉ biết chửi rủa, kêu làng, vu vạ, cướp bóc, đâm chém, nhưng có một thời hắn là người “hiền lành như đất”, Lí Kiến phải lấy làm “tội nghiệp” thấy hắn “vừa bóp đùi cho bà ba, vừa run run”. Chí Phèo phá phách, hủy hoại chung quanh và tự hủy hoại mình, những hành động hầu như không tự giác, như sai khiến bởi một lực lượng vô hình. Thị Nở, tâm hồn vừa hé nở đón lấy hạnh phúc, đã vội cắt đứt với Chí Phèo: “Thị trút vào mặt hắn tất cả lời bà cô”. Mới thoáng yêu nhau, họ bỗng trở thành thù địch và cả thị lẫn Chí Phèo cũng chả hiểu ra làm sao cả.
Nhân vật Nam Cao thường không làm được những điều mình muốn và bắt buộc phải làm những điều không muốn…”
Lê Đình Kỵ
(Nam Cao, con người và xã hội cũ
Theo Nam Cao, về tác giả và tác phẩm, Sđd, tr.58-59)
“Giữa lúc người ta đang đắm mình trong những truyện tình mơ mộng và hùa nhau “phụng sự ” cái thị hiếu tầm thường của độc giả, ông Nam Cao đã mạnh bạo đi theo một lối riêng, nghĩa là ông đã không thèm đếm xỉa đến cái sở thích của độc giả. Những cạnh sắc của tài ông đã đem đến cho văn chương một lối văn mới, sâu xa, chua chát và tàn nhẫn, thứ tàn nhẫn của con người biết tin ở tài mình, ở thiên chức của mình.
Quyển Đôi lứa xứng đôi có được độc giả hoan nghênh hay không, đó là một điều tôi chưa cần biết, tôi chỉ biết rằng lúc viết nó, ông Nam Cao đã không hạ mình xuống bắt chước ai, không nói những cái người ta đã nói, không tả theo lối người ta đã tả. Ông đã dám bước chân vào làng văn với những cạnh sắc của riêng mình… Dám nói và dám viết những cái khác người, ông Nam Cao đã đem đến cho ta những khoái cảm mới mẻ và ông đã tỏ ra một người có can đảm…”.
Lê Văn Trương
Tựa Đôi lứa xứng đôi, 1941.
Theo Nam Cao, về tác giả và tác phẩm, Sđd, tr.108-112)