Thế nào là đoạn văn Diễn dịch - Quy nạp

Thế nào là đoạn văn Diễn dịch - Quy nạp

1. Đối với đoạn văn trình bày theo cách diễn dịch:

Đoạn diễn dịch là một đoạn văn trong đó câu chủ đề mang ý nghĩa khái quát đứng ở đầu đoạn, các câu còn lại triển khai ý tưởng chủ đề, mang ý nghĩa minh hoạ, cụ thể. Các câu triển khai được thực hiện bằng các thao tác giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận; có thể kèm những nhận xét, đánh giá và bộc lộ sự cảm nhận của người viết.

Ví dụ minh họa:

Đoạn văn diễn dịch, nội dung nói về cá tính sáng tạo trong sáng tác thơ:
“Sáng tác thơ là một công việc rất đặc biệt, rất khó khăn, đòi hỏi người nghệ sĩ phải hình thành một cá tính sáng tạo(1). Tuy vậy, theo Xuân Diệu – tuyệt nhiên không nên thổi phồng cái cá biệt, cái độc đáo ấy lên một cách quá đáng(2). Điều ấy không hợp với thơ và không phải phẩm chất của người làm thơ chân chính(3). Hãy sáng tác thơ một cách tự nhiên, bình dị, phải đấu tranh để cải thiện cái việc tự sáng tạo ấy không trở thành anh hùng chủ nghĩa(4). Trong khi sáng tác nhà thơ không thể cứ chăm chăm: mình phải ghi dấu ấn của mình vào trong bài thơ này, tập thơ nọ(5). Chính trong quá trình lao động dồn toàn tâm toàn ý bằng sự xúc cảm tràn đầy, có thể nhà thơ sẽ tạo ra được bản sắc riêng biệt một cách tự nhiên, nhà thơ sẽ biểu hiện được cái cá biệt của mình trong những giây phút cầm bút”(6)..
Mô hình đoạn văn : Câu 1 là câu mở đoạn, mang ý chính của đoạn gọi là câu chủ đề. Năm câu còn lại là những câu triển khai làm rõ ý của câu chủ đề. Đây là đoạn văn giải thích có kết cấu diễn dịch.

2. Đối với đoạn văn trình bày theo cách quy nạp:

Đoạn văn quy nạp là đoạn văn được trình bày đi từ các ý chi tiết, cụ thể nhằm hướng tới ý khái quát nằm ở cuối đoạn. Các câu trên được trình bày bằng thao tác minh hoạ, lập luận, cảm nhận và rút ra nhận xét, đánh giá chung. Câu chủ đề trong đoạn văn quy nạp đặt ở cuối đoạn văn.

Ví dụ minh họa:
Đoạn văn quy nạp, nội dung nói về đoạn kết bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu.
“Chính Hữu khép lại bài thơ bằng một hình tượng thơ: “Đêm nay rừng hoang sương muối Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới Đầu súng trăng treo”(1). Đêm khuya chờ giặc tới, trăng đã xế ngang tầm súng(2). Bất chợt chiến sĩ ta có một phát hiện thú vị: Đầu súng trăng treo(3). Câu thơ như một tiếng reo vui hồn nhiên mà chứa đựng đầy ý nghĩa(4). Trong sự tương phản giữa súng và trăng, người đọc vẫn tìm ra được sự gắn bó gần gũi(5). Súng tượng trưng cho tinh thần quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược(6). Trăng tượng trưng cho cuộc sống thanh bình, yên vui(7). Khẩu súng và vầng trăng là hình tượng sóng đôi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam bất khuất và hào hoa muôn thuở(8). Chất hiện thực nghiệt ngã và lãng mạn bay bổng đã hoà quyện lẫn nhau tạo nên hình tượng thơ để đời(9).
Mô hình đoạn văn:
Tám câu đầu triển khai phân tích hình tượng thơ trong đoạn cuối bài thơ “Đồng chí”, từ đó khái quát vấn đề trong câu cuối – câu chủ đề, thể hiện ý chính của đoạn: đánh giá về hình tượng thơ. Đây là đoạn văn phân tích có kết cấu quy nạp.

Như vậy để viết được một đoạn văn theo cách quy nạp hoặc diễn dịch, học sinh cần xác định được luận điểm, câu chủ đề, vị trí của câu chủ đề trong đoạn văn, tìm đủ luận cứ cần thiết tổ chức lập luận theo một trật tự hợp lí để làm nổi bật luận điểm.
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM