Luyện tập đưa yếu tố biểu cảm vào trong bài văn nghị luận

LUYỆN TẬP ĐƯA YẾU TỐ BIỂU CẢM
VÀO BÀI VĂN NGHỊ LUẬN

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Yếu tố biểu cảm trong bài văn nghị luận được thể hiện rõ nhất qua ba yếu tố:
- Các từ ngữ biểu cảm
- Các câu cảm thán
- Giọng điệu câu văn, bài văn.
Luyện tập đưa yếu tố biểu cảm vào trong bài văn nghị luận

2. Các yếu tố biểu cảm có vai trò khá quan trọng trong một bài văn nghị luận. Tuy nhiên, dù sao chúng cũng chỉ là những yếu tố phụ, được sử dụng nhằm tăng sức thuyết phục, tác động của vấn đề đối với bạn đọc. Bởi vậy, khi đưa yếu tố biểu cảm vào bài văn nghị luận cần chú ý: Trọng tâm của một bài văn nghị luận là những luận điểm, luận cứ. Việc sử dụng các yếu tố biểu cảm nhằm góp phần làm nổi bật những luận điểm, luận cứ đó. Yếu tố biểu cảm chỉ có ý nghĩa bổ trợ, không nên quá chú trọng dẫn đến việc làm mờ đi nội dung chính của bài. Việc lạm dụng các yếu tố biểu cảm một cách tràn lan không những không đạt được hiệu quả mong muốn mà còn phản tác dụng, làm giảm sự tập trung của người đọc.
Trong các bài văn, đoạn văn được trích dẫn trong bài, có thể nhận thấy yếu tố biểu cảm bộc lộ trên từng câu chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy, chỗ ngắt đoạn. Mặc dù vậy, các luận điểm, lập luận chính của bài vẫn được đảm bảo, không những thế còn nổi bật hơn, tạo được sức tác động mạnh hơn. Đó là nhờ khả năng điều chỉnh, định hướng của các tác giả. Cho dù viết trong xúc cảm tràn ngập, tác giả vẫn luôn bám sát vấn đề trọng tâm, không sa đà vào những yếu tố phụ.

II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
1. Để sắp xếp các luận điểm trong bài văn nghị luận theo một trình tự hợp lí, cần lưu ý một số điểm sau:
- Trong bài văn nghị luận, các luận điểm và lập luận cần được trình bày theo một trình tự hợp lí, chặt chẽ để làm luận điểm sáng tỏ và lập luận tăng sức thuyết phục.
- Phải sắp xếp các ý lớn, ý nhỏ theo một trình tự nhất quán để vấn đề trình bày hiện ra rõ ràng hơn, nội dung bài văn trở nên mạch lạc và chặt chẽ.
Trong bài tập 1, cách sắp xếp các luận điểm còn lộn xộn, chưa thật hợp lí. Đây là chỉ là sự liệt kê luận điểm, chưa phải là sự sắp xếp luận điểm. Hơn nữa, các luận điểm này chưa thể hiện rõ đâu là luận điểm chính (ý lớn), đâu là luận điểm phụ (ý nhỏ). Có thể sắp xếp các ý đã có trong bài tập lại và đưa thêm một số nội dung để lập thành một dàn bài với những nội dung lớn như sau.
* Mở bài
Nêu vấn đề cần bàn bạc : ích lợi của những chuyến tham quan, du lịch dối với học sinh
* Thân bài
Nêu những luận điểm và lập luận để khẳng định những lợi ích của tham quan, du lịch. Cụ thể :
- Mở rộng tầm hiểu biết cho mỗi cá nhân
+ Hiểu cụ thể hơn, sâu hơn những điều được học trong nhà trường.
+ Hơn thế nữa, tham quan, du lịch còn giúp ta hiểu được cả những điều chưa được nói đến trong sách vở, chưa được nghe các thầy cô giáo giảng dạy trên lớp.
- Bồi dưỡng về tình cảm
+ Hiểu và yêu mến hơn vẻ đẹp của thiên nhiên, quê hương đất nước.
+ Hiểu và yêu hơn những vẻ đẹp của lao động sáng tạo.
+ Nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ danh lam thắng cảnh của quê hương, đất nước cũng như nhiệm vụ của bản thân mình trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
- Là hình thức vui chơi giải trí bổ ích
+ Tham quan, du lịch là một trong những hình thức thư giãn, vui chơi giải trí đem lại nhiều niềm vui cho mọi người
+ Giảm bớt sự căng thẳng sau những ngày học tập vất vả.
+ Là điều kiện để các bạn trong lớp sống gần gũi, thông cảm và gắn bó với nhau hơn.
- Tăng cường sức khoẻ cho mọi người
* Kết bài
Khẳng định những ích lợi to lớn của tham quan và du lịch đối với học sinh nói chung và đối với bản thân nói riêng.
2. a) Trong đoạn văn Đi bộ ngao du, sau khi nêu ý chính ("Biết bao hứng thú khác nhau ta tập hợp được nhờ cách ngao du ấy"), Ru-xô đã vận dụng cả hai phương thức trực tiếp và gián tiếp để đưa các yếu tố biểu cảm vào bài:
- Gián tiếp: nêu các yếu tố đối lập (ngồi trong cỗ xe tốt, chạy rất êm >< đi bộ, luôn vui vẻ, khoan khoái).
- Trực tiếp biểu lộ cảm xúc qua các cụm từ: Ta hân hoan biết bao, ta sung sướng biết bao, Một bữa cơm đạm bạc mà sao có vẻ ngon lành thế!...
b) Luận điểm "Những chuyến tham quan, du lịch đem đến cho ta nhiều niềm vui" có thể gợi cho chúng ta nhiều cảm xúc:
- Muốn được hít thở bầu không khí thoáng đãng, trong lành.
- Muốn được khám phá thới giới tự nhiên, xã hội, tìm hiểu những vẻ đẹp của quê hương, đất nước, con người.
- Niềm vui được hoà nhập với thiên nhiên, xã hội.
- Khát vọng cống hiến cho Tổ quốc nhiều hơn...
b) Trong đoạn trích (SGK, tr. 109), những cảm xúc được thể hiện khá rõ qua nhiều thủ pháp, nổi bật lên trong đó là những thủ pháp miêu tả, kể chuyện được đan xen, phối hợp với một giọng văn nhẹ nhàng nhưng khá truyền cảm.
Tuy vậy, khi viết văn, mỗi người có một giọng điệu, một cách viết riêng. Bởi vậy, hoàn toàn có thể thêm vào các yếu tố biểu cảm, thậm chí thay đổi trật tự các câu văn cho phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của mình.
3. Khi đưa các yếu tố biểu cảm vào bài văn theo yêu cầu của đề đã cho, cần chú ý một số điểm sau:
- Trước hết, bản thân người viết cũng phải có những tình cảm chân thực về quê hương, đất nước.
- Không phải từ nào, câu nào cũng cần biểu cảm.
- Lựa chọn thời điểm đưa từ ngữ, câu văn biểu cảm sao cho thích hợp.
CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM