THƯ DỤ VƯƠNG THÔNG LẦN NỮA
THƯ DỤ VƯƠNG THÔNG LẦN NỮA
(Tái dụ Vương Thông thư)
NGUYỄN TRÃI
I – KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Nguyễn Trãi (1380 – 1442) hiệu là ức Trai, quê gốc tại làng Ngái (Chi Ngại), huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Ông mất ngày 19 – 9 – 1442, tức 16 tháng tám năm Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba, trong vụ án Lệ Chi Viên (tức vụ án Trại Vải, huyện Gia Lương, nay thuộc Bắc Ninh), vụ án tru di tam tộc oan khốc nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.
Toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Trãi, mặc dù bị mất mát nhiều, song vẫn còn khá đồ sộ về số lượng và kiệt xuất về chất lượng: Bình Ngô đại cáo, Quân trung từ mệnh tập, Lam Sơn thực lục, Vĩnh Lăng thần đạo bi, Chí Linh sơn phú, Dư địa chí, Băng Hồ di sự lục, ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập.
2. Trong thời trung đại, thư ban đầu là tên chung của loại thư tín, viết để trao đổi thông tin công việc hoặc tình cảm giữa người với người, hoặc gửi cho vua quan, bạn bè, người thân. Về sau, thư gửi vua được gọi là biểu, tấu còn thư chỉ là hình thức thông tin giữa những người ngang hàng. Trong Quân trung từ mệnh, thư là hình thức công văn, bàn việc nước, việc chiến, việc hoà nên mang đậm nét tính chính luận.
3. Với một nghệ thuật nghị luận bậc thầy, thư lại dụ Vương Thông của Nguyễn Trãi cho thấy ý chí quyết thắng và tinh thần yêu chuộng hoà bình của quân và dân ta.
II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
1. Tìm hiểu xuất xứ
Gợi ý:
Trong sự nghiệp phò tá Lê Lợi đánh quân Minh, Nguyễn Trãi có nhiệm vụ soạn thảo các thư từ gửi cho các tướng nhà Minh và nhân danh Lê Lợi để khuyên dụ. Nguyễn Trãi đã thực hiện chiến thuật “tâm công” hết sức hiệu quả.
Thư lại dụ Vương Thông là thư số 35, một trong những bức thư gửi cho Vương Thông. Bấy giờ thành Đông Quan (Hà Nội nay) bị quân ta vây hãm, quân địch ở trong thành đang khốn đốn. Bức thư này viết vào khoảng tháng 2 – 1427 thì đến tháng 10 năm ấy, sau khi Liễu Thăng bị giết ở gò Mã Yên, Vương Thông không đợi lệnh vua Minh đã “tự ý giảng hoà” với quân Lam Sơn rồi rút quân về nước.
2. Đặt vào hoàn cảnh sáng tác cụ thể để phân tích mục đích của bức thư:
Mục đích viết thư của Nguyễn Trãi là dụ giặc ra hàng và rút quân về nước. Mục đích này được nói rõ trong các câu: “Các ông là những người xét rõ sự cơ, hiểu sâu thời thế, vậy nên chém đầu Phương Chính, Mã Kì đem đến cửa quân dâng nộp. Như vậy, trong thành sẽ tránh được nạn cá thịt, trong nước sẽ khỏi vạ đau thương, hoà hiếu lại thông, can qua xếp bỏ. ”.
3. Tìm hiểu bố cục bức thư
Gợi ý:
Bức thư có bố cục 3 đoạn:
- Đoạn 1 (từ đầu cho đến Sao đủ để cùng nói việc binh được?): Nêu lên nguyên lí của người dùng binh là phải hiểu biết thời thế.
- Đoạn 2 (từ Trước đây các ông trong lòng… cho đến … bại vong đó là sáu !): Phân tích thời và thế của đối phương ở thành Đông Quan.
- Đoạn 3 (phần còn lại): Khuyên hàng, hứa hẹn những điều tốt đẹp, thách đấu và sỉ nhục tướng giặc.
4. Phân tích mối quan hệ giữa các đoạn để thấy được mạch lập luận
Gợi ý:
Lôgic giữa các đoạn thể hiện mạch lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục: Người làm dùng binh không thể không hiểu biết thời thế à Nay ở vào thời thế chỉ chuốc lấy bại vong à Trong tình hình như vậy, nếu hiểu biết thời thế thì phải đầu hàng và rút quân về nước àNếu không thì ra giao chiến phân tài hơn kém, không nên hèn nhát như thế.
5. Phân tích tư tưởng được thể hiện trong đoạn mở đầu
Gợi ý: Ở đoạn mở đầu, tác giả nêu tư tưởng về thời thế đối với người dùng binh. Đưa ra tư tưởng thời thế như một nguyên lí căn bản trong việc dùng binh, tác giả đã mở đầu bằng chân lí sáng rõ, phàm là người làm tướng đều thấu hiểu, để từ đó sẽ đi đến phân tích thời thế cụ thể của đối phương nhằm mục đích thuyết phục, dụ hàng; đồng thời khẳng định kẻ địch không những không hiểu thời thế mà còn dối trá, che đậy nguy cơ thảm bại. Đây là đoạn văn có vai trò nêu chủ đề, mở ra hướng lập luận cho toàn bài.
6. Lời lẽ thể hiện tư thế của người viết thư như thế nào?
Gợi ý:
Mặc dù tư thế của người nắm phần chủ động, hơn về sức mạnh quân sự cũng như thời thế, song thái độ của tác giả hết sức linh hoạt: đối với bọn Vương Chính, Mã Kì tàn ác, ngoan cố thì sỉ mắng, cương quyết tiêu diệt; đối với Vương Thông, Sơn Thọ và các tướng khác thì phân tích thời thế, cương nhu linh hoạt, chủ yếu dụ hàng. Cuối cùng, vừa khuyên nhủ, hứa hẹn lại vừa sỉ mắng, “khích tướng”, thách đánh để chứng tỏ sức mạnh làm chủ tình thế của quân ta. Tác giả khuyên hàng với lí lẽ vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn: một là đầu hàng, sẽ được bảo toàn; hai là đem quân ra đọ sức, mà với thời thế như đã phân tích sáng rõ ở phần trên bức thư thì phương án này chỉ đem lại kết quả thảm bại. Bức thư thể hiện địch vận “đánh vào lòng người” của Nguyễn Trãi, cho thấy sự kết hợp tài tình giữa tính chiến đấu mạnh mẽ với lòng yêu chuộng hoà bình thiết tha của tác giả.
7. Thời và thế của quân Minh đã được tác giả phân tích trong đoạn 2 của bức thư như thế nào?
Gợi ý:
- Thế của quân Minh ở Trung Quốc: Ngô mạnh không bằng Tần, mà hà khắc lại quá, không đầy một năm tất sẽ theo nhau mà chết, ấy là mệnh trời…; Phía Bắc có giặc Nguyên, trong nước có nội loạn ở Tầm Châu.
- Thế của quân Minh ở Đông Quan: kế cùng lực kiệt, lính tráng mỏi mệt, trong không lương thảo, ngoài không viện binh,…
- Sáu cớ bại vong tất yếu, không thể bác bỏ.
8. Bức thư thể hiện niềm tin tất thắng và tinh thần yêu chuộng hoà bình của tác giả, cũng là của nhân dân ta:
- Chỉ rõ sự thất bại của địch, khẳng định thế tất thắng của ta (sáu cớ bại vong).
- Khuyên dụ đầu hàng, mở ra đường thoái lui cho đối phương: “sửa sang cầu cống, mua sắm tàu thuyền, thuỷ lục hai đường, tuỳ theo ý muốn; quân ra khỏi bờ cõi, muôn phần bảo đảm được yên ổn”.
- Bộc lộ quan điểm hoà hữu, bang giao thân thiện, lâu dài: “nước tôi lại phụng cống xưng thần, theo như lệ trước”.