Lẽ ghét thương (Trích Truyện Lục Vân Tiên)

LẼ GHÉT THƯƠNG
(Trích Truyện Lục Vân Tiên)
Nguyễn Đình Chiểu

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) sinh tại làng Tân Thới, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, mất tại Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu khá lận đận. 
Lớn lên và theo đuổi nghiệp khoa cử vào lúc xã hội loạn lạc, đất nước rơi vào hoạ xâm lăng, bản thân lại mù loà từ năm 25 tuổi. Bỏ dở nghiệp thi cử, ông chuyển sang học thuốc, làm nghề bốc thuốc chữa bệnh và mở trường dạy học. 


2. Truyện Lục Vân Tiên là truyện thơ, được viết dưới hình thức thơ lục bát. Truyện Nôm là thể loại văn học khá phát triển trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỉ XVIII - XIX. Đó là những thành tựu đáng tự hào của nền văn học dân tộc.
3. Đoạn trích Lẽ ghét thương (từ câu 473 đến câu 504 của tác phẩm) là lời của một nhân vật trong truyện, đó là nhân vật ông Quán trong cuộc đàm đạo giữa ông và các nho sĩ trẻ tuổi. Từ “ghét” “thương” ở đây cũng không đơn giản là chỉ tình cảm đối với một ai đó. Chuyện ghét thương được nhìn nhận bằng quyền lợi của nhân dân. Quan điểm yêu ghét của ông Quán chính là quan điểm của tác giả, nhà thơ, nhà văn, ông đồ Nguyễn Đình Chiểu. 

II. TÓM TẮT TRUYỆN
 Nhân vật chính của tác phẩm là Lục Vân Tiên, một chàng trai văn võ song toàn. Cháng đã đánh tan bọn cướp cứu Kiều Nguyệt Nga. Nguyệt Nga nguyện lấy chàng để trả nghĩa. Trên đường đi thi, Lục Vân Tiên nghe tin mẹ mất, chàng phải quay về chịu tang. Chàng khóc thương mẹ đến mà cả hai mắt. Chàng bị Trịnh Hâm ghen ghét đố kị, lừa đẩy chàng xuống sông nhưng chàng được cứu thoát. Võ Thể Loan đã hứa gả con gái cho chàng nay thấy chàng bị mù liền trở mặt, đẩy chàng vào hang sâu. Chàng đã đựoc thần Phật cứu giúp, mắt sáng trở lại, rồi đỗ trạng nguyên, được cử đi đánh giặc Ô Qua. Kiều Nguyệt Nga quyết chung thuỷ với Vân Tiên. Thái sư bắt nàng đi cống cho giặc. Nàng nhảy xuống sông tự vẫn ôm theo bức hình Vân Tiên. Nàng được cứu sống, lại bị cha con Bùi Kiệm ép duyên, nàng bỏ trốn. Tác phẩm kết thúc có hậu, Vân Tiên thắng trận trở về gặp Nguyệt Nga, hai người kết nghĩa vợ chồng. 
III. RÈN KĨ NĂNG
1. Vì chưng hay ghét cũng là hay thương ý nói: Biết ghét là vì biết thương. Vì thương dân nên ghét những kẻ làm hại dân. Đây là câu nói có tính chất khái quát tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu trong cả đoạn trích. Tác giả đã lí giải căn nguyên chuyện ghét thương của mình.
2. Ông Quán ghét những kẻ đã bày ra “chuyện tầm phào”. Đó là những nhân vật nổi tiếng tàn ác: Kiệt Trụ mê dâm, U lệ đa đoan, Ngũ bá phân vân, thúc quý phân băng. Hai nhân vật nổi tiếng tàn bạo trong lịch sử phong kiến Trung Hoa thời cổ đại. Những tên vua tàn ác mà tên  tuổi đều gắn với những giai thoại về sự độc ác khôn cùng. Tiếp đến là hai thời kì đen tối của lịch sử Trung Hoa. Kẻ cầm quyền tranh giành quyền lực đẩy nhân dân vào nạn binh đao. Kẻ thì ăn chơi, hưởng thụ sa đoạ, người thì say sưa tranh giành quyền lục nhưng tất cả bọn chúng đều gây ra một hậu quả chung là đẩy nhân dân vào cuộc sống vô cùng khổ cực. Ông Quá ghét những kẻ làm nhân dân phải chịu khổ cực. Cả bốn câu ông đều nhắc đến dân, nhắc đến những hậu quả mà nhân dân lao động phải chịu: dân “sa sầm sẩy hang”, dân chịu “lầm than”, dân “nhọc nhằn” và “lằng hằng rối dân”. Đối tượng ghét là tất cả những gì có hại cho nhân dân. Mức độ ghét cũng rất dứt khoát, rõ ràng và quyết liệt, thể hiện thái độ không khoan nhượng, không dung tha đối với điều xấu.
3. Đối tượng “thương” là nhân vật cụ thể, những bậc hiền tài một lòng giúp đời, giúp dân. Đó là: Khổng Tử, Nhan Tử, Gia Cát, Đổng Tử, Đào Tiềm, Hàn Dũ, Liêm, Lạc. Họ đều là những con người nổi tiếng về tài và đức song lại gặp toàn chuyện không may mắn. Họ đều là người có nhân cách cao cả, đều hết lòng thương yêu dân chúng, sống trọn đạo bề tôi, giữ vững phẩm cách của nhà Nho. Đối tượng “thương” đều là những người tài đức vẹn toàn. Thái độ thương ở đây bao gồm cả sự cảm thông, trân trọng, kính phục của tác giả và cũng là sự tự thương mình của ông Đồ Chiểu.
4. Nhà thơ đã mượn chuyện bàn luận về ghét thương, về lịch sử để thể hiện thái độ của mình đối với cuộc đời. Việc ghét thương gắn chặt với quyền lợi của nhân dân lao động. Việc dẫn toàn những chuyện của sử sách Trung Quốc có ngụ ý nói về xã hội Việt Nam thời nhà Nguyễn. Những chuyện ghét thương ấy là bóng dáng hiện thực xã hội mà tác giả phải chứng kiến. Dùng chuyện lịch sử để nói chuyện hiện thực là cách để tư tưởng và tâm sự của tác giả có thể tự do giãi bày. 
5. Tác giả đã sử dụng rất thành công các phương tiện ngôn ngữ như điệp từ, từ láy, thành ngữ, tiểu đối để thể hiện thái độ ghét thương rất rõ ràng, dứt khoát và quyết liệt của mình. Đặc biệt nhà thơ đã sử dụng rất hiệu quả biện pháp nghệ thuật điệp từ ghét, thương và các từ ngữ biểu cảm như: ghét cay ghét đắng, sa sầm sẩy hang, lằng nhằng rối dân, phui pha, ngùi ngùi,…

IV. TƯ LIỆU THAM KHẢO
1. Về tác phẩm (Truyện Lục Vân Tiên)
“Và cái trữ tình trong Lục Vân Tiên thật đáng mến, đáng yêu, một chất trữ tình đôn hậu mà không thiếu bề sâu sắc. Ta hãy thử lấy một ví dụ thôi, đó là chung quanh bức tượng của Nguyệt Nga vẽ Vân Tiên. Truyện Lục Vân Tiên sau khi mở đầu bằng một cảnh dân chạy giặc, thì bắt đầu ngay một câu chuyện tình giữa Kiều Nguyệt Nga và Lục Vân Tiên; cái chí tình của Nguyệt Nga, ngay những lúc đầu, đã làm cho người đọc cảm động. Việc Nguyệt Nga nhớ Vân Tiên, vẽ ra thành một bức tượng hình Vân Tiên, và từ đó không rời bức tượng nữa, là một điển hình ai ai cũng nhớ từ đó về sau, hễ có Nguyệt Nga là có bức tượng Vân Tiên, Nguyệt Nga tượng trưng cho sự chung tình, lòng chung thủy. Hình ảnh Nguyệt Nga rất trong trẻo, rất đáng quý mến; người con gái ấy thông minh, biết suy nghĩ, biết xử sự hợp nghĩa, hợp tình. Bức tượng Vân Tiên đã thành một điệp khúc trong truyện thơ. Khi bắt đầu vẽ tượng:
Làu làu một tấm lòng thành,
Hóa ra một bức tượng hình Vân Tiên 
Cái tình yêu muôn thuở của con người, khi thì nó hóa ra dệt gấm, như chức cẩm hồi văn của nàng Tô Huệ, khi thì nó ẩn trong tiếng đàn, như chuyện nàng Kiều, khi nó hóa thành những bài thơ như trong Tình sử, khi nó hóa thành một bức chân dung hồi kí như chuyện Kiều Nguyệt Nga.
Lục ông đến thăm Kiều công, cha của Nguyệt Nga, cho biết tin đồn vang là Vân Tiên đã chết. Nghe tin đó:
Nguyệt Nga đứng dựa bên phòng,
Tay ôm bức tượng khóc ròng như mưa.
... Khi Nguyệt Nga được vớt lên, cùng vớt liền với bức tượng. Đến khi vào ở nhà Bùi Ông, không ở được, bởi con là “Bùi Kiệm máu dê”, phải trốn ra đi, thì cũng:
Dán trong vách phấn một tờ,
Vai mang bức tượng kíp giờ ra đi.
Đến lúc tái hợp Vân Tiên- Nguyệt Nga cũng là nhờ bức tượng Vân Tiên:
Hỏi rằng bức ấy tượng chi,
Khen ai khéo vẽ dung nghi giống mình.
Như vậy, Nguyệt Nga với bức tượng là một điển hình của tình yêu chung thủy; tâm sự Nguyệt Nga, chung quanh Nguyệt Nga, đã làm nảy bao câu trữ tình đôn hậu và sâu sắc ở ngòi bút Đồ Chiểu”. 
Xuân Diệu
(Mấy vấn đề về cuộc đời và thơ văn
     Nguyễn Đình Chiểu (Tái bản).
        NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1969, tr.45-47)
2. Về đoạn trích
"Quán rằng: ghét việc tầm phào,
Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm."
Chính thái độ yêu ghét dứt khoát mãnh liệt ấy đã tạo cho truyện Lục Vân Tiên một tinh thần đấu tranh, một tinh thần phấn khởi lôi kéo người đọc…
… Thương và ghét đều vì nhân dân. Làm lợi cho dân thì thương, làm hại cho dân thì ghét:
Ghét đời Kiệt Trụ mê dâm
...
Sớm đầu tối đánh lằng nhằng rối dân.
… Nguyễn Đình Chiểu cũng đứng trên lập trường nhân nghĩa của nhân dân mà có một thái độ dứt khoát: yêu và ghét, “Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm”… Thái độ thật dứt khoát ấy được xây dựng trên một lý tưởng vững chắc bền bỉ, không gì lay chuyển nổi. Nhân vật Kiều Nguyệt Nga tiêu biểu cho cái lý tưởng ấy. Trong truyện Lục Vân Tiên mỗi nhân vật chính diện đều theo đuổi một lý tưởng như vậy”.
Vũ Đình Liên
       (Mấy vấn đề về cuộc đời và 
     thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Sđd)

CÓ THỂ BẠN ĐANG TÌM